KHÂU KHƯ

Tên Huyệt:

Huyệt ở ngay dưới lồi cao xương gót chân ngoài, giống hình cái gò mả (khâu), đống đất (khư), vì vậy gọi là Khâu Khư.

Tên Khác:

Khâu Hư, Kheo Hư, Kheo Khư, Khưu Hư, Khưu Khư.

Xuất Xứ:

Thiên ‘Bản Du’ (LKhu.2).

Đặc Tính:

+ Huyệt thứ 40 của kinh Đởm.

+ Huyệt Nguyên.

Vị Trí:

Ở phía trước và dưới mắt cá ngoài chân, nơi chỗ lõm của khe xương cạnh nhóm cơ duỗi dài các ngón chân, hoặc từ ngón chân thứ 4 kéo thẳng lên mắt cá gặp chỗ lõm hoặc lấy ở chỗ lõm giữa huyệt Thân Mạch và huyệt Giải Khê, ấn vào thấy tức.

Giải Phẫu:

Dưới da là cơ duỗi ngắn các ngón chân, bờ sau – ngoài cơ mác trước, khe khớp xương hộp – thuyền – chêm 3.

Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chầy trước.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S1.

Tác Dụng:

Khu phong tà ở bán biểu bán lý, hóa thấp nhiệt.

Chủ Trị:

Trị cẳng chân đau, khớp mắt cá chân đau, ngực đầy tức.

Châm Cứu:

Châm thẳng 0, 5 – 1 thốn, đối diện với khớp trong mắt cá, lách mũi kim vào khe khớp. Cứu 1-3 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.

Tham Khảo:

(“ Xương háng đau : tả huyệt Khâu Khư” (Linh Quang Phú).

(“ Huyệt Khâu Khư, Dương Lăng Tuyền và Đởm Du có công hiệu khác nhau: cả 3 huyệt đều chữa bệnh về Đởm nhưng Dương Lăng Tuyền + Đởm Du thiên về chữa bệnh ở Đởm phủ còn Khâu Khư thiên về chữa bệnh ở kinh Đởm” (Du Huyệt Công Năng Giám Biệt).