Sốt rét cơn (ngược tật & ngoại cảm)

NGƯỢC TẬT

a- Triệu chứng:

  • Cơn rét và cơn nóng trở đi trở lại mỗi ngày một cơn hoặc cách ngày một cơn, cũng có thể 3 ngày một cơn, cơn lên đúng một giờ hay không đúng giờ, khi rét trước rồi nóng, khi nóng trước rồi rét, có khi sốt nóng, sợ rét sốt rồi đổ mồ hôi, khát nước …

b- Lý:

  • Nhân cơ thể hư nhược, thử tà, sơn lam chướng khí xâm nhập vào kinh thiếu dương gây thành bệnh.

c- Pháp:

  • Điều hoà âm dương thanh nhiệt, giải độc, cắt cơn.

d- Phương huyệt:

  • Đào đạo
  • Giản sử
  • Tam âm giao
  • Huyết hải

đ- Gia giảm:

Gặp thể ác tính thêm Hợp cốc, Thương dương, Quan xung, Nhân trung. Tất cả châmtả hay xuất huyết nhẹ để triệt cơn.

  • Nếu ăn uống không tiêu, thêm Trung quản, Túc tam lý, Tỳ, Vị du
  • Nếu tức bên sườn phải thêm Chương môn, Phúc ai, phúc kết.

e- Giải thích cách dùng huyệt:

  • Đào đạo dùng để tráng dương, giải biểu chữa sốt cơn rất hiệu.
  • Cơn sốt trong bệnh sốt rét là do âm dương giao tranh làm thành, dương thắng gây nhiệt, âm thắng gây ra hàn do đó phải điều hoà âm dương để cắt cơn sốt rét. Dùng Giản sử để dẫn tà từ Thủ quyết âm tâm bào ra Túc thiếu dương đởm để điều hoà âm dương cắt cơn sốt rét.
  • Huyết hải dùng để hoạt huyết, sinh huyết, kiện tỳ trừ đờm thấp.
  • Gặp thể ác tính, hôn mê bất tỉnh, tả nhân trung để cứu tỉnh, xuất huyết Hợp cốc, Thương dương để hạ nhiệt thông trường Quan Xung để thanh nhiệt ở tam tiêu.
  • Tam âm giao dùng để bổ âm, sinh huyết khi bị sốt kéo dài đã bị thương tổn.
  • Trung quản, Túc tam lý, Tỳ vị, du dùng để kiện tỳ khước chướng, làm cho tiêu hoá tốt lên: Phúc ai có thể tác dụng điều hoà vị khí không để kết hòn báng. Chương môn là tạng hội dùng để sơ thông can khí, cường tráng ngũ tạng.
  • Phải châm chặn cơn trước 1-2h, khi châm phải làm cho cảm giác khuếch tán ra chung quanh nơi châm mới tốt.
  • Xoa bóp: Day bấm, điểm huyệt khi lên cơn sốt cần kiên trì điều trị trước sau lên cơn, kết hợp Tây y gia tăng cường sức đề kháng cơ thể.

NGOẠI CẢM

a- Triệu chứng:

  • Hắt hơi, ngạt mũi, hoặc sổ mũi, tiếng nói nặng, đau đầu, sợ gió, sợ lạnh, ho, có thể phát sốt …

b- Lý:

  • Do vệ khí hư nên phong, hàn, thử thấp xâm nhập có thể gây nên.

c- Pháp:

  • Tăng cường vệ khí để giải trừ phong, hàn, thử, thấp (ngoại tà)

d- Phương huyệt:

  • Đại chuỳ (bổ)
  • Ngoại quan (tả)
  • Hợp cốc (tả)

Yêu cầu về thủ pháp: Châm 3 huyệt này sau khi đắc khí, phải vê, chuyển kim làm cho cảm giác từ Đại chuỳ lan xuống vai, tay, từ Ngoại quanHợp cốc truyền lên cánh tay và vai. Làm được như thế thì chóng ra mồ hôi, người nhẹ nhõm ngay và cũng chỉ cần châm một lần là hết.

Nếu chưa làm được như vậy, phải châm vài ba lần mới khỏi.

đ- Gia giảm:

  • Nếu có đau đầu, đau lưng, châm thêm theo bài đau đầu, đau lưng
  • Nếu sổ mũi, thêm Thượng tinh
  • Nếu tắc mũi, châm thêm Thượng Nghinh hương
  • Nếu ho thêm Phế du
  • Nếu đau cứng cổ, hêm Liệt khuyết
  • Nếu đau người, thêm Đại trữ, Phong môn
  • Nếu đau họng thêm Thiếu thượng
  • Nếu mình nặng, đau mỏi là cảm thấp, thêm Âm lăng tuyền.
  • Nếu đau bụng, đầy bụng nôn mửa, ỉa chảy, thêm Trung quản, Túc tam lý (bổ), châm rồi cứu

e- Giải thích cách dùng huyệt:

  • Bổ Đại chuỳ cho cường tráng vệ khí để giải tà khí, tả Ngoại quan để giải biểu cho tà khí thoát ra hết, tả hợp cốc để hạ nhiệt giải cảm.
  • Xoa bóp: Bấm ấn, day huyệt trên đánh cảm lưng, chân tay nếu đau, hoặc bụng nếu đầy bụng